Đọc cảm xúc – làn sóng AI mới đang hình thành

Xe hơi cảm nhận cơn giận của tài xế, laptop biết chủ nhân đang chán nản… là mục tiêu phát triển AI của các hãng công nghệ.

Những mô hình trí tuệ nhân tạo có thể đọc cảm xúc được gọi là điện toán tình cảm và trí tuệ cảm xúc nhân tạo. Nó là một nhánh của AI và đã có từ năm 1995, nhưng theo Bloomberg, công nghệ này đang trở thành làn sóng mới và dần len lỏi vào đời sống.

AI đọc cảm xúc có thể “hiểu suy nghĩ” của người dùng qua văn bản, giọng nói, nét mặt, cử chỉ và điều chỉnh thái độ. Nó có thể nghe và phát hiện các ngữ điệu tương ứng với sự tức giận, căng thẳng… Công nghệ này cũng có thể phát hiện biểu hiện vi mô trên khuôn mặt vốn biến mất nhanh đến mức mắt người không thể nắm bắt được.

AI có thể đọc cảm xúc bằng việc phân tích dữ liệu về biểu cảm theo thời gian thực. Minh họa: Perkinswill

AI có thể đọc cảm xúc bằng việc phân tích dữ liệu về biểu cảm theo thời gian thực. Minh họa: Perkinswill

Eyeris, một trong những startup nổi tiếng tại Thung lũng Silicon trong lĩnh vực AI đọc cảm xúc, đang phát triển mô hình cho phép những chiếc xe thông minh có thể tự động thay đổi cung đường dựa trên cảm xúc của người lái.

Modar Alaoui, nhà sáng lập kiêm CEO Eyeris, cho biết hệ thống AI thông minh được trang bị trên xe sẽ luôn theo dõi những thay đổi của mắt tài xế, ngôn ngữ cơ thể, dáng ngồi, lực cầm tay lái, khả năng tập trung. Từ những dữ liệu này, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích để hiểu tâm trạng người lái theo thời gian thực. Trong trường hợp phát hiện chỉ số bất thường, nó không chỉ phát cảnh báo mà còn thay đổi lộ trình để đảm bảo an toàn.

Những AI kiểu này còn phân tích cảm xúc gắn với điều kiện xung quanh. Ví dụ, nếu nhận thấy một người đang không vui, căng thẳng, thay vì chọn tuyến đường đang kẹt xe, nó sẽ chuyển sang một hướng khác dễ chịu hơn.

Bên cạnh hình ảnh, AI còn đọc cảm xúc qua văn bản, âm thanh. Clarabridge, công ty phân tích giọng nói và văn bản dựa trên AI, đã xây dựng hệ thống có thể biết người dùng buồn bã, hạnh phúc, kích động để đưa ra các kịch bản tương tác phù hợp.

Trong khi đó, một startup trong lĩnh vực y tế là Seamless Care ra mắt ứng dụng Empathic, sử dụng AI diễn giải cảm xúc của người khiếm thính. Thông qua các phân tích về biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, người dùng có thể nắm rõ tâm trạng của bệnh nhân, biết họ đang thấy thế nào theo cung bậc từ 1 đến 10.

Những lo ngại

AI đọc cảm xúc hiện được thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực, từ xe tự lái đến thương mại điện tử, quản lý nhân viên, chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nó cũng gây nhiều tranh cãi.

Iotforall lấy ví dụ ở Nhật Bản, nụ cười là biểu hiện của sự lịch sự và không loại trừ khả năng một người đang cười nhưng thực tế đang rất đau khổ. Vì vậy, nếu một khách du lịch Nhật Bản cần hỗ trợ ở châu Âu, AI có thể không đưa họ vào trường hợp khẩn cấp chỉ vì nụ cười.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại về thiên kiến liên quan đến màu da, giới tính, tuổi tác. Ví dụ, nếu công ty bảo hiểm muốn sử dụng AI đọc cảm xúc để xác định sự mệt mỏi của người lái xe dựa trên nét mặt, người lái xe lớn tuổi sẽ có nhiều khả năng đáp ứng các tiêu chí ngay cả khi họ không gặp triệu chứng thể chất, mà đơn giản là khi về già, các cơ mặt có xu hướng lão hóa, không còn linh hoạt.

Quyền riêng tư cũng là vấn đề gây tranh cãi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Đặc biệt, khi AI đọc cảm xúc theo thời gian thực, nếu không xác định ranh giới rõ ràng, rất có thể con người sẽ thấy mất hoàn toàn tự do dưới con mắt dò xét của máy móc.

Theo Khương Nha (Số Hóa)

1

Viết bình luận

Bạn cần đăng nhập để viết bình luận.